Mục lục bài viết
Đất nước Việt Nam ngày nay không chỉ phát triển ở lĩnh vực kinh tế, thương mại mà còn là một trong những quốc gia có nền giáo dục tân tiến với nhiều trường, cơ sở đào tạo đạt tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng chuyên môn, quy mô, hình thức. Chính vì thế mà chúng ta luôn thu hút được rất nhiều học sinh, sinh viên nước ngoài đến học tập, thực tập, nghiên cứu. Và chắc chắn để được học tập lâu dài tại Việt Nam bạn cần phải xin được thẻ tạm trú du học. Vậy bạn có đang băn khoăn về điều kiện, hồ sơ, thủ tục cũng như lợi ích của tấm thẻ này không? Cùng tham khảo bài viết dưới đây nhé!
Thẻ tạm trú du học là gì? Có thời hạn bao lâu?
Thẻ tạm trú du học có ký hiệu DH được cấp cho người nước ngoài nhập cảnh và cư trú tại Việt Nam với mục đích học tập, thực tập tại các trường đại học, cao đẳng trong cả nước. Đối tượng được cấp thẻ tạm trú DH là sinh viên, học sinh, thực tập sinh người nước ngoài đã nhập cảnh vào Việt Nam theo đúng visa du học.
Theo quy định của Luật xuất nhập cảnh, cư trú của Việt Nam quy định rõ ràng về thời hạn của thẻ tạm trú du học tối thiểu là 01 năm và không quá 05 năm.
Đặc quyền khi sở hữu được thẻ tạm trú du học
Người nước ngoài thuộc đối tượng học sinh, sinh viên, thực tập nếu được sở hữu thẻ tạm trú du học tại Việt Nam sẽ có được rất nhiều lợi ích như:
- Thẻ tạm trú du học có giá trị thay thế visa, vì thế bạn có thể tự do xuất nhập cảnh nhiều lần trong thời hạn của thẻ mà không cần phải xin thị thực.
- Được cư trú hợp pháp, lâu dài tại Việt Nam, giúp bạn an tâm học tập, thực tập mà không bị gián đoạn.
- Bên cạnh học tập, khi mang tấm thẻ tạm trú du học bạn có thể đi lại ở nhiều thành phố tại Việt Nam, kết hợp tham quan, du lịch, thăm người thân, bạn bè.
- Khi đã được cấp thẻ tạm trú DH hợp pháp, sinh viên có quyền bảo lãnh bố, mẹ sang Việt Nam ở cùng khi thẻ tạm trú còn thời hạn và được cơ quan, tổ chức mời hoặc bảo lãnh người đó đồng ý.
Điều kiện cấp thẻ tạm trú du học cho học sinh, sinh viên nước ngoài
Đối với sinh viên, học sinh nước ngoài muốn xin cấp thẻ tạm trú du học tại Việt Nam cần phải có đầy đủ các điều kiện bắt buộc dưới đây:
- Hộ chiếu gốc hoặc giấy thông hành, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế còn thời hạn ít nhất 13 tháng;
- Nhập cảnh Việt Nam đúng với mục đích bằng visa du học ( Ký hiệu DH);
- Giấy tờ xác nhận là học sinh, sinh viên nước ngoài: Thẻ học sinh, sinh viên; Giấy xác nhận du học, thực tập do các cơ sở giáo dục và đào tạo của nước ngoài hoặc của Việt Nam cấp cho học sinh, sinh viên người nước ngoài.
Hồ sơ xin cấp thẻ tạm trú du học gồm những giấy tờ gì?
Hồ sơ để thực hiện thủ tục bảo lãnh xin cấp thẻ tạm trú du học cho sinh viên, học sinh người nước ngoài khá phức tạp, đòi hỏi nhiều giấy tờ có tính pháp lý, hợp lệ, có công chứng theo đúng quy định. Bao gồm:
- Giấy chứng nhận thành lập trường Đại học, Cao Đẳng; Giấy chứng nhận giáo dục đào tạo;…
- Đơn giới thiệu mẫu chữ ký và con dấu của tổ chức bảo lãnh theo mẫu NA16;
- Công văn và đơn xin cấp thẻ tạm trú cho người nước ngoài theo diện du học – Mẫu NA6
- Tờ khai đề nghị xin cấp thẻ tạm trú cho người nước ngoài theo mẫu NA8;
- Hộ chiếu gốc còn thời hạn theo quy định;
- 2 ảnh 3x4cm chụp trên phông nền trắng;
- Bản sao giấy tờ xác nhận là học sinh, sinh viên nước ngoài: Thẻ học sinh, sinh viên; Giấy xác nhận du học, thực tập do các cơ sở giáo dục và đào tạo của nước ngoài hoặc của Việt Nam cấp cho học sinh, sinh viên người nước ngoài.
Lưu ý: Những giấy tờ trên nếu được cấp tại nước ngoài thì phải được hợp pháp hoá lãnh sự, dịch thuật, công chứng theo đúng quy định.
Tùy vào từng trường hợp xin cấp thẻ tạm trú du học mà cơ quan xuất nhập cảnh sẽ yêu cầu bổ sung, thay đổi thêm những giấy tờ khác.
Hướng dẫn trình tự, thủ tục làm thẻ tạm trú du học
Nếu đại diện phía trường đại học, cao đẳng, các cơ sở đào tạo tự thực hiện xin cấp thẻ tạm trú du học cho học sinh, sinh viên nước ngoài thì cần tiến hành theo 3 bước sau:
Bước 1: Chuẩn bị đầy đủ hồ sơ gồm những giấy tờ hợp lệ theo đúng quy định của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh.
Bước 2: Tiến hành nộp hồ sơ lên cơ quan chức năng tại một trong các địa chỉ thuộc khu vực sinh viên, học sinh nước ngoài cư trú. Đồng thời nộp lệ phí theo đúng quy định của nhà nước.
Bước 3: Nếu hồ sơ được tiếp nhận thì sau 5-7 ngày, người đại diện phía tổ chức bảo lãnh đến tại cơ quan chức năng để nhận kết quả là thẻ tạm trú du học.
Hi vọng với những thông tin mà Việt Uy Tín trên đã giúp cho bạn hiểu hơn và biết cách làm thẻ tạm trú du học. Chúc bạn thành công!